Hiển thị các bài đăng có nhãn Các bài đăng báo. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Các bài đăng báo. Hiển thị tất cả bài đăng

Đồ trang sức với con trẻ: Những mối nguy hiểm rình rập

Cha mẹ nên hạn chế thời gian đeo trang sức cho con, và chỉ đeo trong những dịp thật cần thiết.

Luật gia, Thạc sĩ Tâm lý học Lại Thế Luyện - chuyên gia đào tạo Kỹ năng sống (Giám đốc đào tạo – Công ty TNHH Tư vấn & Đào tạo Hiệu Quả) nhận định : Đeo trang sức là một nhu cầu làm đẹp của con người, đặc biệt là các bạn học sinh nữ. Tuy nhiên, có rất nhiều mối nguy hại đến sức khỏe, tài sản và tính mạng. Ngoài việc trang sức trở thành nơi ẩn nấp của các loại vi khuẩn, virus, do cọ sát giữa vàng với da, gây dị ứng da, viêm da hoặc nhiễm trùng ngoài da, thì trẻ phải đối mặt với những tác động đến hệ thần kinh, đặc biệt là trang sức bằng vàng.
Không nên cho con đeo trang sức đắt tiền, nó vừa gây ấn tượng không tốt khi trẻ giao tiếp với những bạn có điều kiện kinh tế eo hẹp, vừa làm tăng nguy cơ bị kẻ xấu chú ý, có thể gặp những chuyện bất trắc, thậm chí bị cướp khi đi ra ngoài đường. Cha mẹ nên hạn chế thời gian đeo trang sức cho con, và chỉ đeo trong những dịp thật cần thiết. 
do-trang-suc-voi-con-tre-nhung-moi-nguy-hiem-rinh-rap-giadinhvietnam.com 2
Từ trước đến nay, những trẻ em gái luôn là mục tiêu của kẻ xấu. Từ bắt cóc, xâm hại tình dục, lừa đảo, cướp của… đều nhằm vào đối tượng trẻ em nữ. Chính vì vậy những gia đình có con gái đang ở lứa tuổi đi học cần hết sức cảnh giác.
Việc cho con đeo nữ trang vốn là một việc làm hết sức bình thường và chính đáng, nhưng trong tình hình phức tạp và tội phạm gia tăng hiện nay, điều đó không được cho là khôn ngoan.
Những kẻ tội phạm vốn có vấn đề về nhân tính cho nên khi đã dụ dỗ hoặc khống chế được “con mồi”, ngoài việc lột sạch nữ trang, chúng có thể nảy lòng ham muốn xâm hại các em nhỏ. Cũng không ngoại trừ trường hợp bị giết hại hoặc bị bắt cóc bán qua biên giới.
Đối với những trẻ đeo trang sức đi ra đường, trên đường đi học về, đi chơi… đều khiến cho bản thân gặp nhiều nguy hiểm. Nhiều vụ cướp nữ trang xảy ra trên đường khiến cho người bị cướp gặp tai nạn.
Kẻ xấu có thể là hàng xóm mê chơi game không có tiền sinh lòng tham rồi ngó nghiêng tới món đồ trang sức có giá trị trên người trẻ. Những kẻ nghiện hút, chơi bời lêu lổng khi nhìn thấy trang sức của trẻ cũng có thể bất chấp để làm liều... Chúng thường nghĩ, các em còn nhỏ không đủ sức chống cự, lại dễ bị gạt. Hậu quả có thể chỉ bị mất của, nhưng nghiêm trọng hơn là có thể chịu thương tật khi bị giật trang sức, thậm chí là bị sát hại.
do-trang-suc-voi-con-tre-nhung-moi-nguy-hiem-rinh-rap-giadinhvietnam.com 1
Với tình hình xã hội phức tạp hiện nay, nhiều vụ việc cho thấy, ngay cả người lớn cũng đã có nhiều trường hợp mất mạng vì đeo trang sức. Vì thế, trẻ đeo những thứ trang sức giá trị có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào: khi trên đường đi học về, lúc ra cổng, ngõ, sang nhà hàng xóm chơi với bạn bè… Bản thân trẻ nhỏ chưa ý thức được giá trị của trang sức và chưa có khả năng tự bảo vệ mình trong những tình huống bất lợi.. Vì thế, các bậc phụ huynh không nên cho trẻ đeo trang sức để tránh những vụ việc đáng tiếc xảy ra.
Nhật Quỳnh

Luyện trí nhớ ở người cao tuổi



Không nên xem suy giảm trí nhớ là một phần tất yếu của tuổi già. Trong khi một số người cao tuổi cảm thấy rất hay quên, lại có một số người vẫn giữ được sự sắc sảo của trí óc trong suốt cuộc đời họ.

Giống như cơ thể con người, một khi tập luyện thể dục thường xuyên sẽ trở nên cứng cáp và dẻo dai hơn, bộ não và trí nhớ con người cũng vậy, nó sẽ trở nên mạnh khoẻ hơn khi luyện tập và áp dụng theo một số phương pháp. Dưới đây là một số bài tập và bí quyết để giữ gìn trí nhớ, đồng thời giúp cân bằng bộ nhớ đã bị ảnh hưởng bởi tuổi tác.



Trước hết, chúng ta phải biết rằng, những trường hợp nghiêm trọng như bệnh mất trí nhớ và chứng não suy cần được sự chăm sóc của bác sĩ. Luyện tập trí não theo cách dưới đây có thể giúp chậm lại sự suy giảm trí nhớ, hoặc giúp người cao tuổi tận dụng hết khả năng hiện có của mình. Nhưng một khi người đó thực sự mất trí nhớ nghiêm trọng, những điều dưới đây có thể làm tình trạng người bệnh thêm nghiêm trọng. Vì thế, khi chăm sóc người cao tuổi, bạn phải cân nhắc trước khi áp dụng bài tập dưới đây.
 
1. Chú ý. Dừng lại. Quan sát. Lắng nghe.

Thỉnh thoảng, chúng ta bắt gặp phản ứng đầu tiên của người cao tuổi khi quýnh quáng đi tìm chìa khoá của họ là: “lại vậy nữa rồi, dạo này trí nhớ của mình càng ngày càng tồi tệ?.” Nhưng thật ra trí nhớ của người đó vẫn rất bình thường. Có thể vấn đề ở đây chỉ là người đó thiếu tập trung. Tập thói quen tập trung vào những điều đơn giản có thể giúp người cao tuổi tránh được rắc rối về sau.
Phải giải thích cho người cao tuổi hiểu rằng họ chỉ cần mất vài giây để ghi chú lại một hoạt động cụ thể, ví dụ như: “Tôi để chìa khoá ở trong túi áo khoác”.
 
2. Nhẩm lại và lặp lại

Thông tin cần được nhẩm lại và lặp lại để đủ thời gian cho nó xác định vị trí đúng trong trí nhớ dài hạn. Chẳng hạn như mẹ bạn thường xuyên đến thăm bạn, dự định yêu cầu bạn làm một điều gì đó, hoặc sẽ nói với bạn điều gì đó. Nhưng hỡi ôi, bà lại quên ngay khi gặp bạn. Bạn nên chỉ cho bà thấy rằng việc nhẩm lại hoặc lặp lại trong đầu những điều mình phải nói, sẽ giúp ích rất nhiều trong việc giữ gìn trí nhớ.
 
3. Lập nhóm

Đây là một cách khác trong việc nhẩm lại. Nếu người thân của bạn thường hay quên số điện thoại, hay số bảo hiểm xã hội của mình, hãy chỉ cho người đó tách số đó ra thành nhiều nhóm, ví dụ : một số có mười chữ số 5083841755 có thể được ghi nhớ rõ ràng hơn khi được chia thành ba nhóm: 508 - 384 - 1755. Điều này tạo cảm giác ghi nhớ ba số thay vì mười số cùng một lúc. Bạn thấy chưa ? Dễ hơn nhiều.
 
4. Sắp xếp đúng chỗ

Người thân của bạn có thường xuyên mất cả ngày trời để tìm kiếm những vật dụng đã đặt sai chỗ không? Hãy giúp người đó sắp xếp một vị trí cố định cho quen thuộc, các số điện thoại quan trọng, các giấy tờ cần thiết, các dụng cụ hữu ích cũng như chìa khoá, ví tiền và kính mắt. Điều này sẽ làm giảm thiểu những cuộc tìm kiếm gây mệt mỏi và khó chịu.
 
5. Tăng cường việc sử dụng các dụng cụ trợ giúp bên ngoài.

Mọi người chúng ta cần sử dụng những dụng cụ trợ giúp nhưng người thân cao tuổi của bạn đã biết tận dụng chúng chưa? Hãy khuyến khích người đó dùng sổ ghi các cuộc hẹn, những mảnh giấy ghi chú, đồng hồ báo, hẹn giờ. Ngoài ra, có thể sử dụng trí tưởng tượng để nghĩ ra những cách đặc biệt giúp người cao tuổi dễ nhớ hơn.
 

Lại Thế Luyện
Theo Psychology Today


Bài đã đăng tạp chí CÂY THUỐC QUÝ 

 

Dạy con sống có trách nhiệm với cộng đồng



Sống có trách nhiệm với cộng đồng là góp phần đem lại những điều tốt đẹp nhất, có ích cho cộng đồng, qua những công việc hàng ngày, như: quan tâm đến mọi người chung quanh, đến môi trường sống, hiểu biết các chính sách xã hội, tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng, tuân thủ luật pháp... Cha mẹ có thể giúp con biết sống có trách nhiệm với cộng đồng bằng cách:

* Tự bản thân mình phải là tấm gương. Cha mẹ phải tự nguyện tham gia hoặc đóng góp cho các hoạt động vì cộng đồng. Sau đó, hãy khuyến khích con cùng tham gia với mình.

* Cha mẹ nên tận dụng những khoảng thời gian mà cả nhà có dịp ngồi lại cùng nhau, chẳng hạn trong bữa ăn tối, để cùng chia sẻ những điều thú vị đang diễn ra trong xã hội.

* Cha mẹ cần yêu cầu con phải chu toàn bổn phận của một người con. Phải biết quan tâm đến công việc chung và tâm trạng của mọi người trong gia đình. Chỉ khi nào con cái chúng ta có ý thức quan tâm đến gia đình, thì chúng mới có thể biết quan tâm đến cộng đồng xã hội.

* Cha mẹ hãy khuyến khích con tham gia các hoạt động vừa sức để tập dần thói quen đóng góp những điều có ích cho cộng đồng, chẳng hạn: quyên góp ủng hộ đồng bào, không xả rác nơi công cộng, tham gia các cuộc đi bộ gây quỹ từ thiện, đóng góp sách vở để giúp các bạn học sinh ở vùng sâu vùng xa. Điều quan trọng là cha mẹ hãy cùng tham gia với con.
* Cha mẹ cần tạo thói quen đọc sách báo cho con, cùng con thảo luận mỗi khi rảnh rỗi. Nhờ đó, khi lớn lên, con bạn sẽ dần có được quan điểm đúng đắn về các vấn đề phức tạp liên quan đến đạo đức, chính trị... Chính những quan điểm, nhận thức đúng đắn sẽ định hướng cho chúng có những hành động đúng đắn, tích cực đóng góp cho cộng đồng.

* Cha mẹ cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc giáo dục con, đặc biệt là trong những bài học ở trường có liên quan đến vấn đề giáo dục tuổi trẻ sống có trách nhiệm với cộng đồng.

Theo Lại Thế Luyện
 - http://www.baophunu.org.vn

Hãy cột lại dây giày của em đi!



–         “Cô Carr ơi ! Có phải là cô đấy phải không? Có đúng cô là cô Carr không ạ?”.
Tôi đang loay hoay chỗ tiệm sách thì chợt nghe tiếng gọi đó. Tôi ngoái đầu nhìn lại phía sau. Một chàng thanh niên, với dáng người dong dỏng cao, khoẻ mạnh, đẹp trai, mái tóc xoăn xoăn trên trán, đang nhìn tôi, mỉm cười rất tươi. Tôi ngỡ ngàng trong giây lát. Anh chàng nói:
–         Đúng là cô rồi! Em chào cô. Có lẽ cô không nhận ra em? Em là Gibby – học trò của cô đây!”.
–         Ôi, Gibby! Em đã trưởng thành và thay đổi nhiều quá, cô không sao nhận ra được!
Nhìn kỹ hơn một chút, tôi nhận ra đôi mắt của em, đó là một đôi mắt không có gì thay đổi được: đôi mắt xanh sâu thẳm, mãnh liệt, và nghiêm nghị. Phải rồi, đúng là Gibby học sinh của tôi ngày xưa, không thể nhầm lẫn vào đâu được!
Tôi bắt đầu nhớ lại ngày xưa khi Gibby chuyển từ trường khác đến để xin học ở trường tôi. Đó là khoảng thời gian kinh tế suy thoái, gia đình học sinh nào cũng có hoàn cảnh thật khó khăn. Lúc đó, Gibby xin vào lớp 5, và em chỉ học ở lớp của tôi một năm rồi ra trường.
Cũng giống như bất cứ một học sinh mới nào khác, Gibby cũng gặp một ít khó khăn trong vài tuần lễ đẩu tiên khi học tập trong một môi trường mới. Điều khó khăn nhất của Gibby là tính tình hay e ngại và thân hình to béo quá khổ của em trông rất khác xa so với các em học sinh đồng trang lứa khác. Đám học sinh nam trong lớp thường hay chế nhạo cái vẻ lúng túng, vụng về của Gibby mỗi khi em chơi thể thao dưới sân trường trong giờ ra chơi. Dù cố gắng rất nhiều nhưng Gibby rất khó có thể cùng chơi chung và đuổi kịp các em cùng trang lứa khác. Dường như lúc nào cũng vậy, Gibby xuất hiện dưới sân chơi với một đôi giày vướng vấp, dây cột giày của em cứ như sắp bị rơi tuột ra. Và cứ mỗi lần như vậy, tôi thường nhắc: “Gibby, hãy cột lại dây giày của em đi!”. Và lúc nào em cũng lễ phép đáp lại: “Vâng, thưa cô!”.

Tôi vẫn thường có thói quen đứng lặng lẽ ngắm nhìn học sinh của mình đang chơi đùa dưới sân vào những giờ ra chơi. Tôi để ý thấy rằng, cứ mỗi lần chúng chơi những trò chơi cần phải chia làm hai phe để tranh thắng bại, thì những đứa vụng về, lúng túng như Gibby sẽ bị cả nhóm em gạt ra, không được tham gia vào một phe nào cả, vì chẳng có phe nào muốn phe mình yếu hơn phe bên kia và phải bị thua trong trò chơi. Những lúc như vậy, tôi thường thấy Gibby và một vài em học sinh khác cùng cảnh ngộ phải lủi thủi đứng buồn một mình ở góc sân trường.
Thế rồi, có một lần, tôi quyết định bước xuống sân và nói với các em: “Bây giờ, theo ý cô, các em không cần phải chia làm hai phe nữa mà để cho tất cả các em cùng được chơi với nhau, đồng ý không?”.
Nghe tôi nói vậy, đám học trò cười ngặt nghẽo, chúng bảo: “Cô ơi! Chúng em đang chơi trò kéo co với nhau mà! Nếu bây giờ không chia làm hai phe thì làm sao chơi được?”. Nói rồi, đám học trò mặc sức reo hò, chia làm hai phe để kéo co, tranh đua với nhau vô cùng quyết liệt, hào hứng…
Mấy ngày sau, tôi chợt nảy ra ý tưởng khuyến khích các em chơi những trò chơi tập thể khác, sao cho mọi em đều có thể tham gia trong giờ ra chơi mà không cần phải chia làm hai phe, chẳng hạn: trò chơi “dí bắt”, chơi “trốn tìm”,….Nhưng thỉnh thoảng, các em chơi những trò “dí bắt” và “trốn tìm” mãi cũng chán, chúng lại chia làm ai phe để chơi kéo co, thế là tôi quyết định phải gọi tên những em lâu nay vẫn bị chúng emgạt ra để thành lập thành một nhóm.
Tôi bảo với các nhóm còn lại, nếu chúng có giỏi, có mạnh, thì chúng phải dám chấp tất cả các em còn lại trong nhóm do tôi vừa thành lập. Bị chạm tự  ái, các nhóm chấp nhận đề nghị của tôi, và thế là những em như Gibby đều được tham gia chơi. Nhóm các em học sinh do tôi thành lập, tuy không được chọn từ những em giỏi nhất, nhưng các em đều rất gắn bó với nhau, cố gắng hết sức mình khi thi đấu với những nhóm em khác có ưu thế hơn so với nhóm mình, và đặc biệt là các em tỏ ra rất hạnh phúc vì được tham gia chơi, chứ không còn bị gạt ra đứng lủi thủi một bên như lâu nay nữa!
Sang học kỳ hai, tôi nảy ra ý tưởng tổ chức một chương trình rèn luyện thể dục trong giờ ra chơi, dành riêng cho những em học sinh quan tâm đến việc rèn luyện sức khoẻ của bản thân mình. Các em nữ sinh tỏ ra rất quan tâm đến chương trình này, và có một số ít nam học sinh khác cũng tham gia chương trình. Gibby nằm trong số những nam sinh ít ỏi đó.
Chúng tôi bắt đầu tập đi bộ vòng quanh sân trường. Lần nào cũng vậy, tôi đeo ba lô của mình dẫn đầu tốp học sinh tham gia chương trình  luyện tập, và Gibby lúi húi bước theo ngay phí a sau lưng tôi. Thế nhưng, chỉ sau khi đi bộ được vài vòng quanh sân trường thôi, thì bao giờ Gibby cũng bị bỏ rơi lại phía sau cùng trong nhóm, cách khá xa so với các em khác. Gibby đang cố sức lê cái thân hình to béo của em theo các em trông thật tội nghiệp. Những lúc như vậy, tôi phải quay đầu ngoái nhìn lại phía sau và động viên em: “Cố gắng lên, Gibby! Em sắp đuổi kịp các em rồi đấy! Cứ cố gắng giữ vững đà tiến như vậy nhé!”. Nghe tôi động viên, Gibby vừa bước đi vừa thở hổn hển, mồ hôi đổ ra nhễ nhại, nhưng nét mặt của em vẫn luôn hào hứng, phấn khởi. Em nói: “Vâng! Cảm ơn cô!”. Tôi lại nhắc: “À, cô quên nhắc! Nhớ cột lại dây giày của em đi!”.
Sau bốn tuần lễ luyện tập, Gibby có giảm cân được một chút và em không còn bị các em trêu chọc, bắt nạt nhiều như trước nữa. Nhưng thỉnh thoảng, em vẫn bị vướng vấp vào dây giày và tôi lại phải nhắc: “Gibby này! Hãy cột lại dây giày của em đi…!”. Dần dần, Gibby và chúng em trở nên hoà đồng với nhau hơn.
Tới tuần lễ luyện tập thứ năm, số lượng các em nam sinh đăng ký tham gia chương trình luyện tập thể dục của tôi bỗng nhiên tăng vọt, ngang bằng với số lượng các em nữ sinh. Tôi không thể ngờ rằng, đám nam sinh ham chơi, nghịch ngợm hôm nào bỗng dưng lại biết quan tâm đến việc rèn luyện sức khỏe cho bản thân mình như vậy! Chẳng hiểu động cơ nào đã khiến cho chúng đột nhiên biết chú ý đến vấn đề rèn luyện và giữ gìn sức khoẻ nữa!
Sau đó, tôi bổ sung chương trình luyện tập của mình bằng cách cho các em luyện tập thêm cả trong dãy nhà tập thể dục của nhà trường vào mỗi buổi chiều cuối tuần. Ở đó, Gibby rất hăng hái với các môn thể dục dụng cụ, em luyện tập thật chăm chỉ, say mê và dường như chẳng hề bỏ lỡ một buổi luyện tập nào. Em cố gắng nhiều hơn tất cả các em khác, và tôi thật sự ngưỡng mộ tinh thần hăng say luyện tập của em. Nhiều em học sinh trong lớp cũng bắt chước Gibby và luyện tập như thế. Cũng từ đó, Gibby trở nên tự tin và vui vẻ, hoà đồng với các em nhiều hơn. Về phía các em cũng vậy, dường như họ đã quên mất hình ảnh của một Gibby to béo, vụng về ngày nào. Tôi thật hạnh phúc khi thấy rằng, tình em giữa các học sinh trong lớp của tôi ngày càng tốt đẹp hơn qua những buổi tập thể dục như vậy! Và cũng nhờ sáng kiến về chương trình rèn luyện thể dục trong giờ ra chơi của tôi, sức khoẻ các em khả quan lên thấy rõ, các em học tập một cách hăng hái hơn, và kết quả học tập cũng được nâng lên!
***
Giờ đây, sau rất nhiều năm, đứng trước mặt tôi ngay chỗ tiệm bán sách này là  Gibby ngày nào. Một anh chàng Gibby đã lớn và trưởng thành rất nhiều so với ngày xưa.
–         “Bây giờ em đang làm việc ở đâu?” – tôi hỏi – “Cô có nghe nói hình như  em chuyển đến Georgia?”.
–         Dạ, thưa cô! Hiện nay em đang sống ở Atlanta. Em làm trưởng phòng phụ trách bộ phận khách hàng cho một công ty kinh doanh phần mềm máy tính. Tuần này, em trở về đây để thăm lại những người thân!” – Gibby trả lời.
–         Tuyệt quá! Hình như trông em đang rất hạnh phúc phải không Gibby?
–         Vâng, cảm ơn cô! Em đang rất hạnh phúc, và em nghĩ cô cũng vậy! Cô biết không? Hồi đó, lúc phải chuyển trường đi học cấp 2 em cũng buồn lắm, em nhớ nhất là cô đã rất tốt với em trong năm em học lớp 5.
–         Ồ, cảm ơn em! Nhưng sao em lại nói như vậy?
–         Lúc nào cô cũng mỉm cười thật tươi, cô đã làm cho em cảm thấy vui khi được đến trường đi học. Hồi đó, em còn nhỏ đâu đã biết người lớn thường có nhiều nỗi lo buồn riêng trong lòng và đâu phải lúc nào cũng có thể nở những nụ cười tươi như thế. Sau này, khi lớn lên, phải bôn ba với cuộc sống nhiều khó khăn, lo âu, vất vả, em mới thật sự hiểu được nụ cười của cô ngày xưa. Ngày đó, chắc chắn cô phải có một nghị lực phi thường và lòng yêu nghề lớn lao, nên cô mới tặng cho chúng em những nụ cười tuyệt vời như thế!
Những lời Gibby nói khiến tôi càng thêm xúc động. Em nói tiếp: “Nhưng em nhớ nhất là chương trình rèn luyện sức khoẻ của cô đấy! Chính cô là người đã làm nên những sự thay đổi lớn lao trong cuộc đời của em”.
Với nét mặt rạng rỡ và nụ cười tươi nở trên môi, Gibby hồn nhiên hỏi tiếp: “Nhưng cô Carr ơi, cô có biết điều gì đã làm cho em nhớ nhất ở cô không?”.
Tôi ngạc nhiên, thắc mắc: “Điều gì thế em? Làm sao mà cô biết được?”
–         “Cô ạ!” – Gibby nhìn sâu vào mắt tôi và nói – “Ngày xưa, bất cứ khi nào cô chọn ra các emhọc sinh để thành lập một nhóm, bao giờ cô cũng gọi tên em đầu tiên!”.
–         “Ôi! Thật thế sao? Cô cũng không nhớ nữa!” – Tôi cười, đáp.
–         “Vâng! Đúng thế đấy cô ạ!” – Gibby trả lời – “Cô biết không? Em cũng vừa lập gia đình xong. Vợ của em là một cô gái tốt bụng và cũng rất hay cười rất tươi giống như cô vậy! Càng suy nghĩ về vợ của em, em càng cảm nhận thấy cô ấy có nhiều phẩm chất nhân cách tốt đẹp giống như cô. Vợ của em cũng là giáo viên, cô ấy cũng chọn lựa em là người yêu đầu tiên và có lẽ cũng sẽ là duy nhất trong cuộc đời của cô ấy! Cô ơi! Cô nói đúng, em đang rất hạnh phúc!”
Nghe Gibby kể, tôi vui mừng và xúc động không kiềm chế được những giọt nước mắt long lanh cứ chực tuôn trào trên má. Tôi phải cúi xuống giấu đi những giọt nước mắt của mình, và cố gắng tự chủ trở lại. Bất chợt, tôi nhìn thấy dây giày của Gibby và chợt nhớ lại câu nói mà ngày xưa tôi vẫn thường nhắc nhở em: “Hãy cột lại dây giày của em đi, Gibby!”.
Giờ đây, em không còn phải cột lại dây giày của mình nữa! Cô cũng không còn phải nhắc nhở em như ngày xưa nữa! Em đã trưởng thành thật rồi, phải không Gibby? Em đã lập gia đình thật hạnh phúc, đã có một nghề nghiệp ổn định, là một công dân tốt của xã hội. Suốt cuộc đời làm giáo viên của cô, cô còn mong mỏi ở các thế hệ học sinh của mình điều gì hơn thế?
Nhưng Gibby ơi, dù em đã trưởng thành, nhưng trong mắt cô, em vẫn mãi thấp thoáng bóng dáng của cậu bé học sinh đáng yêu ngày nào!
LẠI THẾ LUYỆN dịch
Nguồn http://www.storyteller.net/ Stories
(*): Bài này đã đăng báo Giáo dục & Thời đại chủ nhật 

Cho trẻ cảm xúc an toàn





Chúng ta đều biết, những tổn thương về mặt tâm lý trong thời thơ ấu đều ảnh hưởng đến nhân cách của tuổi trưởng thành. Các bậc cha mẹ đều mong muốn mang lại cảm xúc an toàn cho trẻ. Nhưng bằng cách nào?

Trước hết, hãy kiên trì lắng nghe và tìm cách trả lời mọi câu hỏi của con. Tuyệt đối không bao giờ được nghĩ, mình là cha mẹ, mình có thể chấp nhận hoặc khước từ những câu hỏi của con. Trẻ sẽ có được cảm xúc an toàn khi được người lớn chấp nhận, bao gồm cả việc chấp nhận những suy nghĩ còn non nớt của mình.

Thứ hai, cha mẹ không bao giờ được để cho những mệt mỏi của đời thường, của công việc ảnh hưởng đến cách ứng xử dành cho con cái. Sự tức giận, thiếu kiềm chế, lớn tiếng quát tháo sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự an toàn trong cảm xúc của trẻ.


Thứ ba, cha mẹ hãy chấp nhận một thực tế là, con mình đang dần trưởng thành, nên không tránh khỏi có những việc làm, hành động khiến cha mẹ thất vọng hoặc không chấp nhận được. Cha mẹ không nên trách móc, phán xét mà hãy bình tĩnh dạy bảo, giúp trẻ hình thành dần các kỹ năng ứng xử xã hội.

Cuối cùng, tuyệt đối đừng bao giờ mỉa mai, chế nhạo trẻ, vì tâm hồn trẻ nhỏ rất mong manh, dễ tổn thương. Hãy cố gắng vun trồng những điều tốt đẹp nơi tâm hồn trẻ, đừng để trẻ mất tự tin hay cảm thấy tổn thương ngay từ khi còn bé.

Một khi có được sự an toàn về mặt cảm xúc, trẻ sẽ cảm nhận được tình yêu thương ấm áp, niềm vui, cảm giác nhẹ nhàng, thanh thản... mà cha mẹ dành cho mình. Trẻ có khả năng duy trì nhịp thở thoải mái, đều đặn, và cảm nhận được mối dây tình cảm thân thương, gắn kết giữa mình với mọi người xung quanh, đặc biệt là với người lớn. Những cảm xúc tích cực này của thời thơ ấu sẽ mang lại nhiều ảnh hưởng tốt cho sự phát triển nhân cách sau này của trẻ.

Lại Thế Luyện dịch
 (Theo Nurtured heart)


Bài đã đăng báo PHỤ NỮ chủ nhật 

Một ngày nào đó...


Một ngày này đó... khi con mình lớn lên, ngôi nhà sẽ trở nên sạch sẽ. Những bức tường nhà sẽ không còn hình vẽ nụ cười của những khuôn mặt nham nhở, sẽ không còn những ngón tay chân dính đầy trên khung cửa sổ, sẽ không còn những thanh kẹo sô cô la bôi quẹt tứ tung.

Một ngày nào đó... khi con mình lớn lên, mình sẽ thảnh thơi để đọc một quyển sách mà không phải ngừng lại bất chợt để gắn cho con cái mũi con gấu bông vừa bị nó kéo làm rơi tuột ra; sẽ không phải chạy đi nhặt cho con con búp bê mà nó vừa liệng ra khỏi cửa sổ. 


Một ngày nào đó... khi con mình lớn lên, mình sẽ không còn phải chui vào gầm giường để nhặt giúp trái bóng vừa bị lăn vào trong đó; sẽ không còn phải lục tìm cho con cây bút chì để lạc đâu mất trong ngăn kéo bàn học; mình sẽ tha hồ đọc những mẩu hài hước trên báo mà không còn phải khó chịu nghe tiếng con khóc oe oe.



Một ngày nào đó... khi con mình lớn lên, mình sẽ được thoải mái thong thả mua sắm ở siêu thị mà không phải lo âu con mình ở nhà đang khát sữa. Mình sẽ tha hồ có thời gian để lựa chọn những món hàng mình thích, từ màu sắc, hương vị, đến những món quà khuyến mãi hấp dẫn kèm theo.


Một ngày nào đó... khi con mình lớn lên, mình sẽ lại có thời gian gặp gỡ bạn bè như ngày mình chưa lấy chồng. Mình sẽ được ngồi thưởng thức hương vị của những món ăn tuyệt vời, trong một hiệu ăn sang trọng, dưới ánh đèn cầy nến lãng mạn. 


Một ngày nào đó... khi con mình lớn lên, mình sẽ tha hồ thả mình trong bồn tắm nước nóng thư giãn, mà không còn phải bực mình vì quả bóng hay con búp bê bị kẹt trong phòng tắm; mình sẽ không còn phải bất chợt nghe tiếng con gọi: "Mẹ ơi! Nhanh lên, giúp con với..."


Vâng! Một ngày nào đó, khi con của bạn lớn lên, chắc chắn cuộc sống của bạn sẽ khác hẳn. Các bạn sẽ sống những ngày còn lại của cuộc đời mình, trong căn nhà của mình với sự tĩnh lặng... và đơn điệu... và trống trải... và ... chỉ có một mình thôi! 


Hỡi những người đang được làm mẹ và có con nhỏ, các bạn hãy sống thật hạnh phúc với những gì mình đang có. Đừng mất thời gian để nghĩ về "một ngày nào đó", vì khi một ngày nào đó đến, chắc chắn các bạn sẽ cảm thấy hối tiếc và muốn được trở lại sống những ngày hạnh phúc như ngày hôm qua..."

(Theo: Lại Thế Luyện
"Một ngày nào đó" đã đăng báo Phụ Nữ chủ nhật, số ra ngày 19-09-2004)


Trẻ con nào cũng là thiên thần, là món quà tuyệt vời của cuộc sống và đáng yêu theo cách của chúng. Những kỷ niệm thời thơ ấu của con sẽ là những ký ức đẹp mãi trong lòng Cha và Mẹ! Yêu con!

Cái bẫy chuột



(TT&VH Cuối tuần)  Thứ Ba, 10/11/2009 07:46 GMT+7 Con chuột ghé mắt qua lỗ hổng, nhìn vào trong nhà, thấy vợ chồng ông chủ đang mở một cái gói gì đó ra. Chuột ta thầm nghĩ, liệu có món nào ngon đang đựng trong chiếc hộp ấy không nhỉ? 

Bất thình lình, chuột phát hoảng lên khi nhận ra rằng đó chính là một cái bẫy chuột. 

Quay về nông trại, chuột lớn tiếng thông báo với những con vật khác: “Có một cái bẫy chuột trong nhà! Trong nhà có một cái bẫy chuột đấy!” 

Chú gà kêu lục cục lục cục, lúc lắc cái đầu và bảo: “Anh chuột ạ! Tôi có thể khẳng định với anh rằng, đấy đúng là nấm mồ dùng để chôn sống anh rồi! Nhưng cái bẫy ấy thì chẳng ảnh hưởng được gì đến tôi cả, nên tôi chả có lý do gì mà phải lo lắng!” 




Chuột đành quay sang nói chuyện với heo: “Trong nhà ông chủ có một cái bẫy chuột đấy!” 

“Tôi thật sự lấy làm buồn cho anh! Anh chuột ạ!”- heo tỏ vẻ thông cảm. “Nhưng tôi chẳng thể làm gì giúp anh được ngoài chuyện chỉ còn biết cầu nguyện cho anh thôi. Tôi xin hứa rằng anh sẽ được nằm trong danh sách mà tôi luôn cầu nguyện”

Chuột thất vọng, bèn quay sang nói chuyện với bò cái. Bò cái thở dài, buồn bã nói: “Anh chuột thấy rồi đấy! Tôi bị sống giam hãm trong chiếc chuồng bò tù túng này cũng khổ sở có khác gì hoàn cảnh của anh đâu, anh chuột ơi!”. 

Buồn nản vì chẳng có ai giúp gì được cho mình, chuột quay về nhà ông chủ. Nó một mình nhìn ngắm cái bẫy với vẻ mặt vô cùng thất vọng. Trong cái tĩnh lặng đến đáng sợ của màn đêm, bất chợt, có một tiếng động vang lên nghe như thể âm thanh của cái bẫy chuột bị sập. Vợ người nông dân vội vã nhổm dậy xem đã bẫy được gì?

Trong bóng tối tù mù, vợ người nông dân không nhìn thấy rõ được. Chị ta cố gắng mò mẫm, tiến lại gần cái bẫy chuột. Hóa ra, một con rắn độc bò ngang nhà trong đêm tối chẳng may bị sập cái đuôi vào ngay cái bẫy chuột. Con rắn chồm lên, cắn ngay vào vợ người nông dân. Người nông dân phải lập tức đưa vợ đi cấp cứu ở bệnh viện. 

Sau đó, chị ta được trở về nhà trong tình trạng vẫn còn bị sốt cao. Lúc này, mọi người thấy cần phải hạ sốt cho chị bằng một tô cháo gà. Thế là người nông dân phải ra chuồng gà bắt con gà làm thịt để cho vào nồi cháo.

Vợ người nông dân vẫn không sao bình phục lại được. Chị vẫn tiếp tục bị đau nặng. Bạn bè, hàng xóm láng giềng đến thăm chị khá đông. Đáp lại tấm lòng của họ, người nông dân đành phải mổ heo để có cái mà đãi đông đảo khách khứa đến thăm. 

Trong khi đó, tình trạng của người vợ cũng không làm sao khả quan hơn lên được. Cuối cùng, thật buồn, người vợ ấy đã không qua khỏi. Bà con xa, họ hàng láng giềng gần đến dự đám tang rất đông. Trong nhà lại chẳng còn gì cả, nên người nông dân chỉ còn cách cho giết con bò cái làm đám ma. 

Thế là cả gà, heo và bò cái đều phải chết, chỉ có riêng chuột là còn sống sót. 

Nghe xong câu chuyện trên, bạn thấy điều gì chưa? Đừng tưởng những mối hiểm nguy là chuyện của người khác hay của thiên hạ mà không liên quan gì đến mình đâu nhé!


      Hãy chia sẻ những câu chuyện của bạn hoặc bạn sưu tầm được về con người và cuộc sống. Bài vở xin gửi về địa chỉ email: thethaovanhoacuoituan@gmail.com hoặc: Tòa soạn báo TT&VH 33 Lê Thánh Tông, Hà Nội/ 116-118 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP.HCM.


Lại Thế Luyện(dịch)

“Thiên thần nhỏ” trong bệnh viện






Để giảm bớt những nỗi đau của bệnh tật, những em nhỏ đang là bệnh nhân trong bệnh viện này không chỉ cần đến thuốc men và đôi bàn tay tận tình chăm sóc của tôi mà quan trọng hơn, các em còn cần cả những niềm vui!


Tôi làm việc với tư cách là thực tập sinh trong khoa nhi của bệnh viện thành phố. Đây là điều kiện bắt buộc đối với mọi sinh viên y khoa trong quá trình học tập ở nhà trường. Sau quá trình làm việc như vậy một thời gian dài, kết hợp giữa học lý thuyết trên lớp với thực hành ở bệnh viện, mỗi sinh viên y khoa có thể tự tin với tay nghề của mình và cầm văn bằng tốt nghiệp, nhận công tác ở một nơi nào đó theo ý nguyện và điều kiện của bản thân.

Bác sỹ trưởng khoa của chúng tôi là một giáo sư nghiêm túc, tận tâm và đánh giá cao những sinh viên ham học, có lòng yêu nghề thực sự . Ngày nào ông cũng làm việc với sinh viên chúng tôi đúng giờ như đã ghi trên lịch làm việc. Nơi tôi ở trọ khá xa bệnh viện, nên để khỏi bị trễ giờ vào mỗi buổi sáng, nhiều đêm tôi phải ngủ luôn trong bệnh viện.

Tôi luôn cố gắng làm cho xong mọi việc trước nửa đêm, rồi mới đi ngủ, nhưng tôi rất thường bị đánh thức dậy bởi những tiếng còi hú của xe cấp cứu. Những ngày sống ở bệnh viện chất chứa bao nỗi buồn vui về đủ mọi chuyện, nhưng đáng nhớ nhất là câu chuyện xảy ra vào thời điểm một ca cấp cứu vào đêm giao thừa năm nọ. Tết năm ấy tôi không được về nhà, nên tôi tự nguyện ở lại luôn bệnh viện. Vừa buồn, vừa đói bụng lại vừa mệt, tôi thả người nằm xuống giường định ngủ thiếp đi cho quên hết những gì đang mang nặng trong người. Tôi tự nhủ, rồi ngày mai sẽ là một ngày mới và mình sẽ đón chào năm mới bằng những ca cấp cứu có thể có trong dịp Tết. Bỗng nhiên, từ phòng số 6, tôi chợt nghe hình như có tiếng một đứa bé đang gọi mình. Cô bé khoảng 9 tuổi, mới được nhập viện vào sáng nay. Tôi nhớ lúc buổi sáng khi tôi tiêm thuốc vào cánh tay cô bé, cánh tay trông gầy nhom thật tội nghiệp. Tôi vội chạy sang phòng  cô bé, cô bé nhìn tôi, mỉm cười: “Hình như chị …bác sỹ đang bị mệt!”. Chao ôi! Cô bé gọi tôi là “bác sỹ”. Tôi hỏi: “Em cảm thấy trong người khoẻ hơn chưa?”. “Bệnh viện đang có một ca cấp cứu” – Tôi giải thích với cô bé. Chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau một lát, rồi tôi về phòng mình. Lúc tôi rời khỏi giường của cô bé, cô bé nắm lấy cánh tay tôi và nói: “Chị ngủ ngon nhé!”. Tôi gật đầu, đáp: “Em cũng vậy nhé!”. Cô bé không đáp, chỉ nháy mắt tinh nghịch, tỏ vẻ đồng ý.

Bệnh tình của cô bé là đề tài thảo luận tốn nhiều công sức và thời gian của đám sinh viên chúng tôi. Các bác sỹ cũng tham gia đóng góp ý kiến. Chưa đầy một năm sau, cô bé đã khoẻ hơn, đôi má hồng trông rất dễ thương. Em được xuất viện.

Thế nhưng, chẳng bao lâu sau, da của em trở nên trắng bệch, đôi chỗ trên cơ thể chẳng rõ nguyên do gì lại bị những vết bầm tím. Mặc dù gia đình và các bác sỹ đã cố gắng rất nhiều, nhưng không thể để em điều trị tại nhà được, và thế là, một lần nữa cô bé phải nhập viện.

Xét nghiệm máu cho thấy, cô bé bị ung thư bạch cầu. Mọi người trong bệnh viện, từ bác sỹ chuyên khoa đến y tá, điều  dưỡng đều quan tâm đến cô bé, yêu thương cô bé, nhưng hoàn toàn không có sự thương hại. Bởi lẽ, ở cô bé có một điều gì đó rất đặc biệt. Tôi không biế phải gọi điều đặc biệt ấy là điều gì, tôi chỉ biết rằng, nụ cười trong sáng, hồn nhiên của cô bé luôn làm cho tâm hồn tôi ấm áp. Nhiều lần, tôi nhìn thấy cô bé ra ngoài hành lang, mỉm cười và vẫy tay chào các bạn nhỏ khác vừa mới nhập viện. Có lúc tôi còn thấy cô bé chia cả những bông hoa và những thỏi kẹo cho những bạn khác nữa. Ở nơi bệnh viện ảm đạm này, nụ cười của cô bé như thắp sáng cả căn phòng. Tôi thật cảm phục cô bé, vì ở lứa tuổi còn nhỏ như vậy, cô bé lại có khả năng biểu lộ lòng tốt, lòng quan tâm và yêu thương người khác.

Mùa Đông đến, tuyết rơi trắng xoá, phủ đầy lên cả cửa kính của các cửa sổ.Vào ngày lễ Giáng Sinh, tôi ngạc nhiên khi cô bé đòi gia đình phải trang trí một góc giường bệnh bằng một cây thông có treo những quả chuông và những bóng đèn sáng lấp lánh. Cha của cô bé là một giám đốc ngân hàng, nên ông có vẻ rất chiều chuộng con. Cây thông Noel giữa phòng bệnh làm cho cả căn phòng trở nên tươi sáng, ấp áp hơn …. Tôi cảm động biết bao khi nhìn thấy cô bé cùng với những em bệnh nhân khác đang cố gắng tập hát một bài Thánh ca mà các em sẽ hát trong đêm nay…

Tôi không biết cô bé có phải là một Thiên thần từ trời được phái xuống trần gian để thắp lên niềm vui cho các em nhỏ bệnh tật trong bệnh viện này hay không? Nhưng tôi biết chắc chắn một điều rằng, những niềm vui mà cô bé đã mang lại cho mọi người trong bệnh viện thật có ý nghĩa biết bao, vì những niềm vui ấy đã giúp các em nhỏ được sống hồn nhiên, hạnh phúc, phần nào quên đi những nỗi đau bệnh tật….
Sau này, khi tôi tốt nghiệp đại học và trở thành bác sỹ, tôi đã quyết định trở về làm việc trong bệnh viện ở quê, gần nơi gia đình tôi đang sinh sống. Ở nơi đây, tôi luôn nhớ về hình ảnh của cô bé ngày xưa và tôi tâm niệm một điều rằng, để giảm bớt những nỗi đau của bệnh tật, những em nhỏ đang là bệnh nhân trong bệnh viện này không chỉ cần đến thuốc men và đôi bàn tay tận tình chăm sóc của tôi mà quan trọng hơn, các em còn cần cả những niềm vui! 
 LẠI THẾ LUYỆN dịch
 (Theo Reader’s Digest)

Đừng đợi đến…ngày mai !







Đừng bao giờ nói “vào một ngày nào đó” hoặc “một ngày gần đây nhất”. Hãy loại bỏ những cụm từ đó ra khỏi cuốn từ điển của cuộc đời mình. Từ hôm nay, phải luôn tự nhủ với mình rằng, mình sống và quyết tâm luôn làm những điều tốt đẹp, như thể không còn có ngày mai!


Anh rể tôi đưa cho tôi chiếc hộp và bảo : “Chiếc hộp này là của chị gái em, bây giờ em hãy nhận lấy!”. Tôi run run khi đưa tay ra nhận chiếc hộp của chị gái tôi từ tay anh. Đây là chiếc hộp mà từ những ngày chị tôi còn sống, chị rất quý và luôn cất kỹ trong tủ. Chị đã ra đi chỉ sau một cơn huyết áp cao đột ngột. Tôi còn nhớ, đã có lần chị cho tôi xem chiếc hộp này, đó là chiếc hộp đựng những đồ trang sức quý giá của chị. Giờ đây, khi tôi mở chiếc hộp ra, dường như mọi thứ bên trong vẫn còn nguyên vẹn. Một sợi dây chuyền đeo cổ mà chị nói với tôi rằng chị sẽ cất kỹ nó và chỉ đeo vào dịp con gái lớn của chị lập gia đình. Còn kia là chiếc vòng đeo tay mạn ngọc bích mà tôi nhớ có lần chị đã nói chị sẽ để dành nó đến ngày sinh nhật lần thứ 60 của chồng chị, chị mới đeo…

Tôi nhắc lại những kỷ niệm ấy của chị với anh, anh chỉ buồn bã thở dài, và bảo: “Chị đã sống suốt một cuộc đời vất vả. Những đồ trang sức anh mua cho chị, chị chẳng dám đeo”. Rất nhiều lần, anh chỉ mong được nhìn thấy chị đeo trên cổ tay xinh xinh chiếc vòng ngọc lấp lánh mà phải vất vả lắm anh mới mua được để tặng chị, nhưng chị vẫn luôn cất kỹ để chờ đợi đến những dịp trọng đại của gia đình. Giờ đây, những gì chị ước mong thì mãi mãi sẽ chẳng bao giờ xảy ra được nữa, sau sự  ra đi quá bất ngờ của chị…
Câu chuyện của chị tôi làm tôi nhớ đến những thứ tôi cũng đang cố gắng “để dành”, những “dự định” còn đang bị nằm trong “những ngăn kéo im lìm của cuộc đời tôi”. Tôi muốn giải hoà một số bất đồng, chút hiểu lầm lâu nay với một vài người bên hàng xóm. Tôi muốn đi thăm một người bà con ở xa, nhưng tôi cứ nuôi dự định đó mãi mà chưa làm sao thực hiện được. Tôi vẫn luôn tự nhủ, đợiđến khi nào mình sắp xếp được công việc rồi mình sẽ đi thăm, nhưng đã mấy năm trôi qua rồi mà tôi cũng chẳng làm so có thể sắp xếp được công việc của mình. Tôi còn có cả những ước mơ cao đẹp về công việc từ  thiện. Tôi dự định mình sẽ tham gia đội công tác xã hội – từ thiện ở địa phương sau khi tôi nghỉ hưu và có thời gian rảnh rỗi. Tôi còn ra nhà sách mua được cả một đống những tác phẩm hay ho nhất thế giới, nhưng tôi chỉ đem về liếc mắt qua cái bìa đẹp rồi cất vào tủ sách, chứ chưa làm sao sắp xếp được thời gian để đọc, và cũng tự nhủ “để đến khi về hưu” sẽ đọc. Tuy nhiên, đối với tôi, những điều này hiện giờ cũng vẫn chỉ là ước mơ thôi, vì ít nhất tôi cũng còn gần hai chục năm làm việc nữa may ra mới đến tuổi về hưu.
Hoá ra, lâu nay tôi vẫn sống mà chẳng hề nhận ra khoảnh khắc hiện tại thật quý giá như thế nào và tôi cũng chẳng hề biết nâng niu nó. Lúc nào tôi cũng “để dành” mọi thứ .  Dĩ nhiên, những thứ mà tôi “để dành” như thế cũng rất tốt đẹp. Tôi cứ cất giữ mãi những điều dự định tốt đẹp của mình trong ngăn kéo và đợi đến một ngày mai, nhưng tôi đâu có biết rằng, có thể ngày mai biết đâu chừng sẽ không còn đến với tôi nữa, thì sao ?
Cuộc đời của mỗi người tươi đẹp chỉ như những bông hoa rung rinh, phảng phất hương thơm bay trong gió mà thôi, nên chúng ta hãy trân trọng từng khoảnh khắc hiện tại của mình và sống thật hạnh phúc với nó. Từng giây phút sống, chúng ta phải luôn ý thức mình đang hít thở và luôn cố gắng làm những điều tốt đẹp, chứ đừng chỉ biết “để dành”những kế hoạch, những dự định của mình. Nếu chúng ta cứ “để dành” mãi như vậy, thì chúng mãi mãi vẫn chỉ là những “dự định” mà thôi, hoàn toàn không có gì là có thật cả! Đừng bao giờ nói “vào một ngày nào đó” hoặc “một ngày gần đây nhất”. Hãy loại bỏ những cụm từ đó ra khỏi cuốn từ điển của cuộc đời mình. Từ hôm nay, phải luôn tự nhủ với mình rằng, mình sống và quyết tâm luôn làm những điều tốt đẹp, như thể không còn có ngày mai!  
 LẠI THẾ LUYỆN dịch
 (Theo fibrotalk.org)

Dạy trẻ biết sống ngăn nắp



Bạn có bao giờ bực bội vì con bạn luôn vất đồ đạc bừa bãi khắp nhà? Làm thế nào để dạy cho con bạn biết cách sống ngăn nắp? Dưới đây là một vài ý tưởng gợi mở hữu ích cho các bậc cha mẹ:


Mỗi người trong gia đình đều cần có một không gian riêng. Một không gian riêng để tĩnh lặng sau một ngày làm việc vất vả, cực nhọc. Một không gian riêng để thả hồn theo những sáng tác và sở thích riêng tư. Hãy khuyến khích trẻ biết tôn trọng không gian sống của người khác, đồng thời biết tạo một khoảng không gian thích hợp cho riêng mình.
 
Nếu con bực dọc về phòng ở lộn xộn, hãy biết tự sắp xếp! Hãy tạo cho trẻ ý thức tổ chức phòng ở ngăn nắp, rằng phòng ở của trẻ sẽ không thể ngăn nắp được, nếu bản thân trẻ không có ý thức về sự ngăn nắp. Chỉ khi nào trẻ phải bỏ công sức ra để sắp xếp mọi thứ ngăn nắp trong phòng ở, chúng sẽ thực sự có được ý thức về việc sắp xếp ngăn nắp không gian sống của mình.
 
Cha mẹ phải nêu ra những yêu cầu cụ thể. Khi con cái chúng ta ở lứa tuổi từ 7 đến 17 tuổi, chúng cần biết cha mẹ đang kỳ vọng và yêu cầu điều gì ở chúng. Nhờ đó, trẻ sẽ sớm biết sống có trách nhiệm và phát triển lòng tự tin mỗi khi làm được một việc tốt nào đó phù hợp với lứa tuổi và khả năng của trẻ.
 
Đưa ra những giới hạn cho trẻ. Cha mẹ cần đưa ra những giới hạn kỷ luật cho trẻ, những việc nào trẻ nên làm, phải làm và không được làm – dù trẻ có viện dẫn những lý lẽ gì đi chăng nữa! Trẻ phải hiểu rằng, bản thân mình có trách nhiệm tổ chức không gian sống một cách ngăn nắp, đáp ứng lòng kỳ vọng của các thành viên khác trong gia đình.
 
Hãy bảo đảm rằng, từng người trong gia đình phải biết sống ngăn nắp. Mọi người đều phải sống có trách nhiệm với các thành viên khác trong gia đình và với chính bản thân mình. Mỗi hành động ngăn nắp của một thành viên nào đó phải trở thành mẫu gương và được các thành viên khác trong gia đình tôn trọng và noi theo.
 
Tạo thành thói quen tốt cho trẻ. Thói quen sống ngăn nắp của trẻ phải được rèn luyện mỗi ngày. Rèn luyện đều đặn là điều quan trọng nhất. Bạn có thể đánh giá sự tiến bộ của trẻ thông qua những kết quả mà trẻ làm được nhờ cách sống ngăn nắp mỗi ngày!
 LẠI THẾ LUYỆN dịch 
(Theo Natural Family Online)

Nguồn:   http://www.tinmoitruong.vn/kinh-nghiem-song/day-tre-biet-song-ngan-nap_14_50331_1.html