Luyện trí nhớ ở người cao tuổi



Không nên xem suy giảm trí nhớ là một phần tất yếu của tuổi già. Trong khi một số người cao tuổi cảm thấy rất hay quên, lại có một số người vẫn giữ được sự sắc sảo của trí óc trong suốt cuộc đời họ.

Giống như cơ thể con người, một khi tập luyện thể dục thường xuyên sẽ trở nên cứng cáp và dẻo dai hơn, bộ não và trí nhớ con người cũng vậy, nó sẽ trở nên mạnh khoẻ hơn khi luyện tập và áp dụng theo một số phương pháp. Dưới đây là một số bài tập và bí quyết để giữ gìn trí nhớ, đồng thời giúp cân bằng bộ nhớ đã bị ảnh hưởng bởi tuổi tác.



Trước hết, chúng ta phải biết rằng, những trường hợp nghiêm trọng như bệnh mất trí nhớ và chứng não suy cần được sự chăm sóc của bác sĩ. Luyện tập trí não theo cách dưới đây có thể giúp chậm lại sự suy giảm trí nhớ, hoặc giúp người cao tuổi tận dụng hết khả năng hiện có của mình. Nhưng một khi người đó thực sự mất trí nhớ nghiêm trọng, những điều dưới đây có thể làm tình trạng người bệnh thêm nghiêm trọng. Vì thế, khi chăm sóc người cao tuổi, bạn phải cân nhắc trước khi áp dụng bài tập dưới đây.
 
1. Chú ý. Dừng lại. Quan sát. Lắng nghe.

Thỉnh thoảng, chúng ta bắt gặp phản ứng đầu tiên của người cao tuổi khi quýnh quáng đi tìm chìa khoá của họ là: “lại vậy nữa rồi, dạo này trí nhớ của mình càng ngày càng tồi tệ?.” Nhưng thật ra trí nhớ của người đó vẫn rất bình thường. Có thể vấn đề ở đây chỉ là người đó thiếu tập trung. Tập thói quen tập trung vào những điều đơn giản có thể giúp người cao tuổi tránh được rắc rối về sau.
Phải giải thích cho người cao tuổi hiểu rằng họ chỉ cần mất vài giây để ghi chú lại một hoạt động cụ thể, ví dụ như: “Tôi để chìa khoá ở trong túi áo khoác”.
 
2. Nhẩm lại và lặp lại

Thông tin cần được nhẩm lại và lặp lại để đủ thời gian cho nó xác định vị trí đúng trong trí nhớ dài hạn. Chẳng hạn như mẹ bạn thường xuyên đến thăm bạn, dự định yêu cầu bạn làm một điều gì đó, hoặc sẽ nói với bạn điều gì đó. Nhưng hỡi ôi, bà lại quên ngay khi gặp bạn. Bạn nên chỉ cho bà thấy rằng việc nhẩm lại hoặc lặp lại trong đầu những điều mình phải nói, sẽ giúp ích rất nhiều trong việc giữ gìn trí nhớ.
 
3. Lập nhóm

Đây là một cách khác trong việc nhẩm lại. Nếu người thân của bạn thường hay quên số điện thoại, hay số bảo hiểm xã hội của mình, hãy chỉ cho người đó tách số đó ra thành nhiều nhóm, ví dụ : một số có mười chữ số 5083841755 có thể được ghi nhớ rõ ràng hơn khi được chia thành ba nhóm: 508 - 384 - 1755. Điều này tạo cảm giác ghi nhớ ba số thay vì mười số cùng một lúc. Bạn thấy chưa ? Dễ hơn nhiều.
 
4. Sắp xếp đúng chỗ

Người thân của bạn có thường xuyên mất cả ngày trời để tìm kiếm những vật dụng đã đặt sai chỗ không? Hãy giúp người đó sắp xếp một vị trí cố định cho quen thuộc, các số điện thoại quan trọng, các giấy tờ cần thiết, các dụng cụ hữu ích cũng như chìa khoá, ví tiền và kính mắt. Điều này sẽ làm giảm thiểu những cuộc tìm kiếm gây mệt mỏi và khó chịu.
 
5. Tăng cường việc sử dụng các dụng cụ trợ giúp bên ngoài.

Mọi người chúng ta cần sử dụng những dụng cụ trợ giúp nhưng người thân cao tuổi của bạn đã biết tận dụng chúng chưa? Hãy khuyến khích người đó dùng sổ ghi các cuộc hẹn, những mảnh giấy ghi chú, đồng hồ báo, hẹn giờ. Ngoài ra, có thể sử dụng trí tưởng tượng để nghĩ ra những cách đặc biệt giúp người cao tuổi dễ nhớ hơn.
 

Lại Thế Luyện
Theo Psychology Today


Bài đã đăng tạp chí CÂY THUỐC QUÝ