Cho trẻ cảm xúc an toàn





Chúng ta đều biết, những tổn thương về mặt tâm lý trong thời thơ ấu đều ảnh hưởng đến nhân cách của tuổi trưởng thành. Các bậc cha mẹ đều mong muốn mang lại cảm xúc an toàn cho trẻ. Nhưng bằng cách nào?

Trước hết, hãy kiên trì lắng nghe và tìm cách trả lời mọi câu hỏi của con. Tuyệt đối không bao giờ được nghĩ, mình là cha mẹ, mình có thể chấp nhận hoặc khước từ những câu hỏi của con. Trẻ sẽ có được cảm xúc an toàn khi được người lớn chấp nhận, bao gồm cả việc chấp nhận những suy nghĩ còn non nớt của mình.

Thứ hai, cha mẹ không bao giờ được để cho những mệt mỏi của đời thường, của công việc ảnh hưởng đến cách ứng xử dành cho con cái. Sự tức giận, thiếu kiềm chế, lớn tiếng quát tháo sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự an toàn trong cảm xúc của trẻ.


Thứ ba, cha mẹ hãy chấp nhận một thực tế là, con mình đang dần trưởng thành, nên không tránh khỏi có những việc làm, hành động khiến cha mẹ thất vọng hoặc không chấp nhận được. Cha mẹ không nên trách móc, phán xét mà hãy bình tĩnh dạy bảo, giúp trẻ hình thành dần các kỹ năng ứng xử xã hội.

Cuối cùng, tuyệt đối đừng bao giờ mỉa mai, chế nhạo trẻ, vì tâm hồn trẻ nhỏ rất mong manh, dễ tổn thương. Hãy cố gắng vun trồng những điều tốt đẹp nơi tâm hồn trẻ, đừng để trẻ mất tự tin hay cảm thấy tổn thương ngay từ khi còn bé.

Một khi có được sự an toàn về mặt cảm xúc, trẻ sẽ cảm nhận được tình yêu thương ấm áp, niềm vui, cảm giác nhẹ nhàng, thanh thản... mà cha mẹ dành cho mình. Trẻ có khả năng duy trì nhịp thở thoải mái, đều đặn, và cảm nhận được mối dây tình cảm thân thương, gắn kết giữa mình với mọi người xung quanh, đặc biệt là với người lớn. Những cảm xúc tích cực này của thời thơ ấu sẽ mang lại nhiều ảnh hưởng tốt cho sự phát triển nhân cách sau này của trẻ.

Lại Thế Luyện dịch
 (Theo Nurtured heart)


Bài đã đăng báo PHỤ NỮ chủ nhật