Hãy cột lại dây giày của em đi!



–         “Cô Carr ơi ! Có phải là cô đấy phải không? Có đúng cô là cô Carr không ạ?”.
Tôi đang loay hoay chỗ tiệm sách thì chợt nghe tiếng gọi đó. Tôi ngoái đầu nhìn lại phía sau. Một chàng thanh niên, với dáng người dong dỏng cao, khoẻ mạnh, đẹp trai, mái tóc xoăn xoăn trên trán, đang nhìn tôi, mỉm cười rất tươi. Tôi ngỡ ngàng trong giây lát. Anh chàng nói:
–         Đúng là cô rồi! Em chào cô. Có lẽ cô không nhận ra em? Em là Gibby – học trò của cô đây!”.
–         Ôi, Gibby! Em đã trưởng thành và thay đổi nhiều quá, cô không sao nhận ra được!
Nhìn kỹ hơn một chút, tôi nhận ra đôi mắt của em, đó là một đôi mắt không có gì thay đổi được: đôi mắt xanh sâu thẳm, mãnh liệt, và nghiêm nghị. Phải rồi, đúng là Gibby học sinh của tôi ngày xưa, không thể nhầm lẫn vào đâu được!
Tôi bắt đầu nhớ lại ngày xưa khi Gibby chuyển từ trường khác đến để xin học ở trường tôi. Đó là khoảng thời gian kinh tế suy thoái, gia đình học sinh nào cũng có hoàn cảnh thật khó khăn. Lúc đó, Gibby xin vào lớp 5, và em chỉ học ở lớp của tôi một năm rồi ra trường.
Cũng giống như bất cứ một học sinh mới nào khác, Gibby cũng gặp một ít khó khăn trong vài tuần lễ đẩu tiên khi học tập trong một môi trường mới. Điều khó khăn nhất của Gibby là tính tình hay e ngại và thân hình to béo quá khổ của em trông rất khác xa so với các em học sinh đồng trang lứa khác. Đám học sinh nam trong lớp thường hay chế nhạo cái vẻ lúng túng, vụng về của Gibby mỗi khi em chơi thể thao dưới sân trường trong giờ ra chơi. Dù cố gắng rất nhiều nhưng Gibby rất khó có thể cùng chơi chung và đuổi kịp các em cùng trang lứa khác. Dường như lúc nào cũng vậy, Gibby xuất hiện dưới sân chơi với một đôi giày vướng vấp, dây cột giày của em cứ như sắp bị rơi tuột ra. Và cứ mỗi lần như vậy, tôi thường nhắc: “Gibby, hãy cột lại dây giày của em đi!”. Và lúc nào em cũng lễ phép đáp lại: “Vâng, thưa cô!”.

Tôi vẫn thường có thói quen đứng lặng lẽ ngắm nhìn học sinh của mình đang chơi đùa dưới sân vào những giờ ra chơi. Tôi để ý thấy rằng, cứ mỗi lần chúng chơi những trò chơi cần phải chia làm hai phe để tranh thắng bại, thì những đứa vụng về, lúng túng như Gibby sẽ bị cả nhóm em gạt ra, không được tham gia vào một phe nào cả, vì chẳng có phe nào muốn phe mình yếu hơn phe bên kia và phải bị thua trong trò chơi. Những lúc như vậy, tôi thường thấy Gibby và một vài em học sinh khác cùng cảnh ngộ phải lủi thủi đứng buồn một mình ở góc sân trường.
Thế rồi, có một lần, tôi quyết định bước xuống sân và nói với các em: “Bây giờ, theo ý cô, các em không cần phải chia làm hai phe nữa mà để cho tất cả các em cùng được chơi với nhau, đồng ý không?”.
Nghe tôi nói vậy, đám học trò cười ngặt nghẽo, chúng bảo: “Cô ơi! Chúng em đang chơi trò kéo co với nhau mà! Nếu bây giờ không chia làm hai phe thì làm sao chơi được?”. Nói rồi, đám học trò mặc sức reo hò, chia làm hai phe để kéo co, tranh đua với nhau vô cùng quyết liệt, hào hứng…
Mấy ngày sau, tôi chợt nảy ra ý tưởng khuyến khích các em chơi những trò chơi tập thể khác, sao cho mọi em đều có thể tham gia trong giờ ra chơi mà không cần phải chia làm hai phe, chẳng hạn: trò chơi “dí bắt”, chơi “trốn tìm”,….Nhưng thỉnh thoảng, các em chơi những trò “dí bắt” và “trốn tìm” mãi cũng chán, chúng lại chia làm ai phe để chơi kéo co, thế là tôi quyết định phải gọi tên những em lâu nay vẫn bị chúng emgạt ra để thành lập thành một nhóm.
Tôi bảo với các nhóm còn lại, nếu chúng có giỏi, có mạnh, thì chúng phải dám chấp tất cả các em còn lại trong nhóm do tôi vừa thành lập. Bị chạm tự  ái, các nhóm chấp nhận đề nghị của tôi, và thế là những em như Gibby đều được tham gia chơi. Nhóm các em học sinh do tôi thành lập, tuy không được chọn từ những em giỏi nhất, nhưng các em đều rất gắn bó với nhau, cố gắng hết sức mình khi thi đấu với những nhóm em khác có ưu thế hơn so với nhóm mình, và đặc biệt là các em tỏ ra rất hạnh phúc vì được tham gia chơi, chứ không còn bị gạt ra đứng lủi thủi một bên như lâu nay nữa!
Sang học kỳ hai, tôi nảy ra ý tưởng tổ chức một chương trình rèn luyện thể dục trong giờ ra chơi, dành riêng cho những em học sinh quan tâm đến việc rèn luyện sức khoẻ của bản thân mình. Các em nữ sinh tỏ ra rất quan tâm đến chương trình này, và có một số ít nam học sinh khác cũng tham gia chương trình. Gibby nằm trong số những nam sinh ít ỏi đó.
Chúng tôi bắt đầu tập đi bộ vòng quanh sân trường. Lần nào cũng vậy, tôi đeo ba lô của mình dẫn đầu tốp học sinh tham gia chương trình  luyện tập, và Gibby lúi húi bước theo ngay phí a sau lưng tôi. Thế nhưng, chỉ sau khi đi bộ được vài vòng quanh sân trường thôi, thì bao giờ Gibby cũng bị bỏ rơi lại phía sau cùng trong nhóm, cách khá xa so với các em khác. Gibby đang cố sức lê cái thân hình to béo của em theo các em trông thật tội nghiệp. Những lúc như vậy, tôi phải quay đầu ngoái nhìn lại phía sau và động viên em: “Cố gắng lên, Gibby! Em sắp đuổi kịp các em rồi đấy! Cứ cố gắng giữ vững đà tiến như vậy nhé!”. Nghe tôi động viên, Gibby vừa bước đi vừa thở hổn hển, mồ hôi đổ ra nhễ nhại, nhưng nét mặt của em vẫn luôn hào hứng, phấn khởi. Em nói: “Vâng! Cảm ơn cô!”. Tôi lại nhắc: “À, cô quên nhắc! Nhớ cột lại dây giày của em đi!”.
Sau bốn tuần lễ luyện tập, Gibby có giảm cân được một chút và em không còn bị các em trêu chọc, bắt nạt nhiều như trước nữa. Nhưng thỉnh thoảng, em vẫn bị vướng vấp vào dây giày và tôi lại phải nhắc: “Gibby này! Hãy cột lại dây giày của em đi…!”. Dần dần, Gibby và chúng em trở nên hoà đồng với nhau hơn.
Tới tuần lễ luyện tập thứ năm, số lượng các em nam sinh đăng ký tham gia chương trình luyện tập thể dục của tôi bỗng nhiên tăng vọt, ngang bằng với số lượng các em nữ sinh. Tôi không thể ngờ rằng, đám nam sinh ham chơi, nghịch ngợm hôm nào bỗng dưng lại biết quan tâm đến việc rèn luyện sức khỏe cho bản thân mình như vậy! Chẳng hiểu động cơ nào đã khiến cho chúng đột nhiên biết chú ý đến vấn đề rèn luyện và giữ gìn sức khoẻ nữa!
Sau đó, tôi bổ sung chương trình luyện tập của mình bằng cách cho các em luyện tập thêm cả trong dãy nhà tập thể dục của nhà trường vào mỗi buổi chiều cuối tuần. Ở đó, Gibby rất hăng hái với các môn thể dục dụng cụ, em luyện tập thật chăm chỉ, say mê và dường như chẳng hề bỏ lỡ một buổi luyện tập nào. Em cố gắng nhiều hơn tất cả các em khác, và tôi thật sự ngưỡng mộ tinh thần hăng say luyện tập của em. Nhiều em học sinh trong lớp cũng bắt chước Gibby và luyện tập như thế. Cũng từ đó, Gibby trở nên tự tin và vui vẻ, hoà đồng với các em nhiều hơn. Về phía các em cũng vậy, dường như họ đã quên mất hình ảnh của một Gibby to béo, vụng về ngày nào. Tôi thật hạnh phúc khi thấy rằng, tình em giữa các học sinh trong lớp của tôi ngày càng tốt đẹp hơn qua những buổi tập thể dục như vậy! Và cũng nhờ sáng kiến về chương trình rèn luyện thể dục trong giờ ra chơi của tôi, sức khoẻ các em khả quan lên thấy rõ, các em học tập một cách hăng hái hơn, và kết quả học tập cũng được nâng lên!
***
Giờ đây, sau rất nhiều năm, đứng trước mặt tôi ngay chỗ tiệm bán sách này là  Gibby ngày nào. Một anh chàng Gibby đã lớn và trưởng thành rất nhiều so với ngày xưa.
–         “Bây giờ em đang làm việc ở đâu?” – tôi hỏi – “Cô có nghe nói hình như  em chuyển đến Georgia?”.
–         Dạ, thưa cô! Hiện nay em đang sống ở Atlanta. Em làm trưởng phòng phụ trách bộ phận khách hàng cho một công ty kinh doanh phần mềm máy tính. Tuần này, em trở về đây để thăm lại những người thân!” – Gibby trả lời.
–         Tuyệt quá! Hình như trông em đang rất hạnh phúc phải không Gibby?
–         Vâng, cảm ơn cô! Em đang rất hạnh phúc, và em nghĩ cô cũng vậy! Cô biết không? Hồi đó, lúc phải chuyển trường đi học cấp 2 em cũng buồn lắm, em nhớ nhất là cô đã rất tốt với em trong năm em học lớp 5.
–         Ồ, cảm ơn em! Nhưng sao em lại nói như vậy?
–         Lúc nào cô cũng mỉm cười thật tươi, cô đã làm cho em cảm thấy vui khi được đến trường đi học. Hồi đó, em còn nhỏ đâu đã biết người lớn thường có nhiều nỗi lo buồn riêng trong lòng và đâu phải lúc nào cũng có thể nở những nụ cười tươi như thế. Sau này, khi lớn lên, phải bôn ba với cuộc sống nhiều khó khăn, lo âu, vất vả, em mới thật sự hiểu được nụ cười của cô ngày xưa. Ngày đó, chắc chắn cô phải có một nghị lực phi thường và lòng yêu nghề lớn lao, nên cô mới tặng cho chúng em những nụ cười tuyệt vời như thế!
Những lời Gibby nói khiến tôi càng thêm xúc động. Em nói tiếp: “Nhưng em nhớ nhất là chương trình rèn luyện sức khoẻ của cô đấy! Chính cô là người đã làm nên những sự thay đổi lớn lao trong cuộc đời của em”.
Với nét mặt rạng rỡ và nụ cười tươi nở trên môi, Gibby hồn nhiên hỏi tiếp: “Nhưng cô Carr ơi, cô có biết điều gì đã làm cho em nhớ nhất ở cô không?”.
Tôi ngạc nhiên, thắc mắc: “Điều gì thế em? Làm sao mà cô biết được?”
–         “Cô ạ!” – Gibby nhìn sâu vào mắt tôi và nói – “Ngày xưa, bất cứ khi nào cô chọn ra các emhọc sinh để thành lập một nhóm, bao giờ cô cũng gọi tên em đầu tiên!”.
–         “Ôi! Thật thế sao? Cô cũng không nhớ nữa!” – Tôi cười, đáp.
–         “Vâng! Đúng thế đấy cô ạ!” – Gibby trả lời – “Cô biết không? Em cũng vừa lập gia đình xong. Vợ của em là một cô gái tốt bụng và cũng rất hay cười rất tươi giống như cô vậy! Càng suy nghĩ về vợ của em, em càng cảm nhận thấy cô ấy có nhiều phẩm chất nhân cách tốt đẹp giống như cô. Vợ của em cũng là giáo viên, cô ấy cũng chọn lựa em là người yêu đầu tiên và có lẽ cũng sẽ là duy nhất trong cuộc đời của cô ấy! Cô ơi! Cô nói đúng, em đang rất hạnh phúc!”
Nghe Gibby kể, tôi vui mừng và xúc động không kiềm chế được những giọt nước mắt long lanh cứ chực tuôn trào trên má. Tôi phải cúi xuống giấu đi những giọt nước mắt của mình, và cố gắng tự chủ trở lại. Bất chợt, tôi nhìn thấy dây giày của Gibby và chợt nhớ lại câu nói mà ngày xưa tôi vẫn thường nhắc nhở em: “Hãy cột lại dây giày của em đi, Gibby!”.
Giờ đây, em không còn phải cột lại dây giày của mình nữa! Cô cũng không còn phải nhắc nhở em như ngày xưa nữa! Em đã trưởng thành thật rồi, phải không Gibby? Em đã lập gia đình thật hạnh phúc, đã có một nghề nghiệp ổn định, là một công dân tốt của xã hội. Suốt cuộc đời làm giáo viên của cô, cô còn mong mỏi ở các thế hệ học sinh của mình điều gì hơn thế?
Nhưng Gibby ơi, dù em đã trưởng thành, nhưng trong mắt cô, em vẫn mãi thấp thoáng bóng dáng của cậu bé học sinh đáng yêu ngày nào!
LẠI THẾ LUYỆN dịch
Nguồn http://www.storyteller.net/ Stories
(*): Bài này đã đăng báo Giáo dục & Thời đại chủ nhật