Ích lợi của âm nhạc đối với trẻ

Vì nhiều lý do, giáo dục thẩm mỹ dường như ít được các bậc cha mẹ quan tâm hơn so với các mặt giáo dục khác. Bài này nói về việc quan tâm đến âm nhạc sẽ đem lại những ích lợi như thế nào đối với giáo dục trẻ?

Giáo dục con cái là một quá trình mang tính toàn diện, không chỉ là giáo dục đạo đức mà còn bao hàm các mặt khác có mối quan hệ mật thiết với nhau, như: thể chất, trí tuệ, thẩm mỹ và giáo dục cách làm việc. Trong đó, vì nhiều lý do, giáo dục thẩm mỹ dường như ít được các bậc cha mẹ quan tâm hơn so với các mặt giáo dục khác. 


Trước hết, trẻ có thể hoàn thiện các giác quan nhờ âm nhạc. Âm nhạc kích thích trí tuệ và sự tinh nhạy của các giác quan. Khi trẻ lắc lư theo điệu nhạc hoặc đơn giản chỉ là gõ nhịp trên mặt bàn, cả cơ thể và trí tuệ của trẻ có dịp hoạt động cùng một lúc. Học nhạc cũng như học hát, học múa và học xướng âm, giúp phát triển tri giác không gian và tri giác vận động của trẻ.
 
Thứ hai, âm nhạc có thể giúp trẻ phát triển trí tuệ, hoàn thiện các kỹ năng học tập để thành công ở trường học cũng như trong suốt cuộc đời sau này. Ngay cả khi trẻ chưa đến tuổi đi học chăng nữa, thì việc sớm làm quen với âm nhạc sẽ giúp trẻ sẵn sàng để học tốt một loạt môn học. Một khi âm nhạc trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống nói chung và trong hoạt động học tập nói riêng,trẻ sẽ thường xuyên đạt kết quả cao hơn trong việc học môn toán, môn tập đọc và môn viết.
 
Thứ ba, âm nhạc có thể được sử dụng để thư giãn và truyền cảm hứng cho trẻ. Do đó, khi biết sắp xếp thời gian biểu xen kẽ giữa việc học với thời gian nghe nhạc để trẻ thư giãn, trẻ sẽ dễ dàng học tập một cách có hiệu quả hơn. Trẻ sẽ sẵn sàng đương đầu với các môn học khó, những nhiệm vụ học tập mới mẻ, khó khăn hơn và tích cực học tập trong suốt cả quá trình học.
 
Thứ tư, biết nghe nhạc và biết chơi nhạc có thể tăng cường trí tưởng tượng và sáng tạo của trẻ. Trẻ có thể vận dụng trí tưởng tượng và sáng tạo này vào hoạt động học tập của bản thân. Nhờ đó, việc học sẽ trở nên đầy thú vị và có một chất lượng hoàn toàn mới.
 
Thứ năm, âm nhạc gợi lên những cảm xúc tươi đẹp cho cả trẻ em lẫn người lớn. Âm nhạc có thể làm cho mỗi chúng ta cảm thấy mình tràn đầy sức sống, chẳng còn mấy khi cảm thấy mệt mỏi và luôn hoạt bát trong nhiều hoạt động. Do đó, một nền tảng tốt về âm nhạc cũng sẽ giúp trẻ phát triển các kỹ năng xã hội, giao tiếp với người khác một cách tốt hơn nhờ những cảm xúc bắt nguồn từ âm nhạc. Âm nhạc mang lại những kết quả tích cực cho tất cả chúng ta!
 
Ngày nay, ở nhiều nước phương Tây, đối với những trẻ bị bệnh tự kỷ hoặc những rối loạn thần kinh chức năng khác, đôi khi cách trị liệu hay nhất cũng chính là âm nhạc. Trẻ có thể bắt đầu thể hiện những cảm xúc của bản thân mình và thích giao tiếp với người khác hơn nhờ có âm nhạc.
 
LẠI THẾ LUYỆN