Để trẻ sẵn lòng tâm sự với cha mẹ



Chính sự gần gũi, thân mật, tin cậy của bạn dành cho con, thử đặt mình vào vị trí của con, coi con mình như một người bạn cùng lứa tuổi, sẽ khiến con thích được thổ lộ tâm sự với bạn hơn.

Các bậc cha mẹ thường cảm thấy phiền lòng khi con cái không sẵn lòng thổ lộ tâm sự hoặc những điều khó nói với mình. Dưới đây là những ý tưởng gợi mở giúp các bậc cha mẹ tạo cơ hội cho con mình dám chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc của chúng với cha mẹ:




Đừng cố bắt ép con phải nói: Bạn càng cố gắng ép con mình nói, con bạn sẽ càng kháng cự lại bạn. Nhưng trái lại, một khi tạo cho con tâm trạng thoải mái, con của bạn sẽ dễ dàng thổ lộ tâm sự với bạn hơn.
Tạm dừng công việc của bạn lại và dành thời gian lắng nghe con cái: Trẻ luôn hiểu rõ công việc củacha mẹ chúng có bận rộn hay không và bận rộn đến mức nào. Nếu bạn không còn đủ thời gian dành cho con cái, thì con của bạn sẽ khó mà có thể cảm thấy thoải mái để thổ lộ tâm sự với bạn.
Tham gia các môn thể dục thể thao cùng với con: Vận động thân thể giúp trẻ cảm thấy khỏe khoắn, thoải mái, tâm trạng vui vẻ. Đây chính là một trong những cơ hội tốt để cha mẹ và con cái có thể mở lòng với nhau và lắng nghe nhau.
Đừng phán xét con: Nếu trẻ cảm thấy rằng chúng không hề bị cha mẹ phán xét về những gì chúng nói ra, thì chẳng có lý do gì để giữ bí mật với cha mẹ. Cha mẹ hãy biết lắng nghe bằng thái độ thực sự quan tâm và trân trọng đối với những gì con mình nói ra.

Biết sử dụng những câu hỏi mở: Những câu hỏi “Có/Không?” sẽ khiến trẻ có khuynh hướng sử dụng câu trả lời ngắn. Những câu hỏi “Tại sao?” sẽ khiến trẻ có khuynh hướng đề phòng, không dám thổ lộ. Do vậy, cha mẹ nên sử dụng những câu hỏi mở, như: “Như thế nào?” , “Điều gì khiến con nghĩ như vậy?”, “Theo con nghĩ, thì sao?”,… sẽ khiến trẻ sẵn lòng thộ lộ những suy nghĩ của mình nhiều hơn.
Hãy là cha mẹ, đồng thời là người bạn tin cậy của con: Chính sự gần gũi, thân mật, tin cậy của bạn dành cho con, thử đặt mình vào vị trí của con, coi con mình như một người bạn cùng lứa tuổi, sẽ khiến con thích được thổ lộ tâm sự với bạn hơn. Trong việc giáo dục con cái, kỷ luật tuy là cần thiết, nhưng không phải lúc nào cũng mang một vẻ mặt cau có hoặc đưa ra những hình thức kỷ luật quá cứng nhắc, nghiêm khắc với con.
 LẠI THẾ LUYỆN dịch
 (Theo Parents)

 Bài này đã đăng tạp chí PHỤ NỮ THỜI ĐẠI, trang Mẹ & Con,  số 11-2011(109) ra ngày 11.04.2011, trang 68 -69.